Chàng trai 26 tuổi Will Hatton bắt đầu làm “tây ba lô” khắp châu Âu khi anh mới 18 tuổi. Theo anh thì Việt Nam là nơi khó đi nhờ xe nhất nhưng ở nhà nghỉ dành cho Tây ba lô lại được uống bia miễn phí mỗi tối.
Trong chuyến đi của mình, Will Hatton đã ở Ấn Độ 1 năm, chăn dê ở Holy Land, ngủ trong hang ở Rastafarian Bedouins, làm thêm tại các quán bar ở Việt Nam… Một trong những điều làm Hatton tự hào nhất là đã phượt ở Đông Nam Á trong gần một năm với số tiền 3.500 USD, trung bình mỗi ngày tiêu chỉ 10 USD.
Will Hatton hạ cánh ở Bangkok, Thái Lan với 3.500 USD. Anh dành một tháng ở Thái Lan, 2 tháng ở Lào, 2 tháng ở Việt Nam, 3 tháng ở Campuchia, 2 tuần tiếp đó quay lại Thái Lan, một tháng ở Malaysia, một tháng ở Myanmar. Cuối hành trình, Hatton còn lại đúng 100 USD trong túi cùng vô vàn trải nghiệm. Anh chia sẻ một số kinh nghiệm nằm lòng trong quá trình phượt của mình.
1. Không nên vội vàng: Một trong những kinh nghiệm để đời của Hatton là không vội vàng. “Tôi nhận ra rằng khi nào tôi vội quá, tôi sẽ chi tiền để đến nơi nhanh hơn. Hãy chậm lại và thư giãn, đừng chi tiền cho taxi, hãy đi bộ ở mọi nơi, bạn sẽ tiết kiệm được khá”, anh chia sẻ.
2. Mặc cả khi mua hàng: Khi ở các nước Đông Nam Á, đây là một bí quyết để tiết kiệm, vì bạn có thể mua được với giá giảm tới 20% nếu biết mặc cả. Hatton tiết kiệm được hàng trăm USD nhờ mặc cả từ món côn trùng rán đến tiền thuê thuyền.
3. Tìm bạn đồng hành: Bằng cách tìm bạn đồng hành đi xe tuk-tuk hay thuê nhà nghỉ, bạn có thể chia sẻ chi phí một cách đáng kể. “Bạn sẽ có cơ hội gặp những người thú vị cùng hành trình với mình”, Hatton nói thêm.
4. Ở nhờ: Trong thời gian ở Đông Nam Á, Hatton chỉ trả tiền ở khoảng chục lần. Ngoài ra, anh ở nhờ 4-5 ngày/tuần. Anh tiết lộ: “Thái Lan là nước ở nhờ dễ nhất. Mọi người đều nói được tiếng Anh nên rất đơn giản”. Tuy nhiên, Lào lại là nước yêu thích của Hatton. “Tôi ở với một anh tên là Guy, anh ấy đưa tôi đến nơi tắm hơi đun bằng gỗ, rồi uống bia bên bờ sông. Vào buổi tối, chúng tôi xem phim Người dơi trên chiếc tivi cũ kỹ của anh và đùa với 2 con chó săn thỏ. Được mời đến nhà và được đối xử như một người bạn thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ”.
5. Cắm trại: Là người thích lều trại, Hatton mang theo một chiếc lều nhẹ trong ba lô để dựng lều bất cứ khi nào cần. “Ở Đông Nam Á, tôi thường cắm trại ở các công viên quốc gia. Họ không thực sự cho phép, nhưng nếu bạn chọn một nơi tách biệt, dọn sạch rác và chỉ ở một đêm, bạn sẽ không gặp vấn đề gì cả”, anh cho biết. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi người trong làng nhờ dựng lều trong vườn. “Nhiều người sẽ đồng ý và còn bán cho bạn một bữa tối giá rẻ nữa”.
6. Thuê nhà nghỉ nếu cần: Khi không thể cắm trại hoặc ở nhờ, Hatton thường đến các nhà nghỉ và nhà khách. Nơi yêu thích nhất của anh là Hanoi Backpackers Hostel ở Việt Nam do “họ có bia miễn phí uống tùy thích trong một giờ mỗi buổi tối, điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền đồ uống”. Ngoài ra, nhà nghỉ Mad Monkey ở Campuchia và Aqaurious Inn ở Inle Lake, Myanmar cũng là chỗ nghỉ mà Hatton ưng ý.
7. Đi nhờ xe: Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được ở Đông Nam Á với một số lưu ý. Hãy chắc chắn là tài xế biết bạn không có tiền trả, bạn nên viết tên điểm đến lên một tấm bảng để các tài xế đi qua nhìn thấy, hãy vẫy ôtô chứ đừng vẫy các loại xe buýt hoặc xe khách. “Ở Đông Nam Á, ôtô thường ít khi hỏi tiền, còn các xe buýt, xe khách thì luôn chở đầy khách, vì thế bạn sẽ không thể đi nhờ miễn phí được”, Hatton chia sẻ. “Myanmar đi nhờ xe dễ nhất, có lẽ vì có rất nhiều nhà sư, họ thường cho tôi đi nhờ mà không bao giờ hỏi tiền cả”. Còn Việt Nam là nơi khó đi nhờ nhất.
8. Làm việc cho quán bar: Nếu bạn thích tiệc tùng giá rẻ thì hãy xin làm việc trong những quán bar trong vài ngày. Hatton đã làm thế khi sắp hết tiền. “Tôi thử rất nhiều việc, thường mỗi việc ít ngày, như làm việc ở các quán bar tại Vang Vieng, Lào và các bãi biển ở Nha Trang. Tiền công không cao lắm, thường chỉ 5 USD/ngày, nhưng bạn sẽ không phải chi tiêu gì hết, vì đồ ăn, chỗ ở và đồ uống đều có sẵn”.
9. Làm việc trong trang trại: Hatton từng làm việc trong một số trang trại để đổi lấy chỗ ở trên hành trình của mình. “Tôi giúp việc ở Organic Farm, Vang Viang, Lào. Ở miền bắc Lào bên ngoài Luang Prabang, tôi còn giúp một gia đình địa phương thu hoạch lúa gần một ngôi làng nhỏ ở Nong Khiaw. Tôi ở homestay và không có nhiều tiền, vì vậy tôi hỏi họ liệu tôi có thể trả tiền ăn và đổi sức lao động lấy chỗ ở không, và họ vui vẻ đồng ý”.
10. Ăn thức ăn đường phố: Từ những quán hàng rong ở đường Khao San nổi tiếng tại Bangkok, Thái Lan tới các loại bánh kẹp ở Myanmar, các đồ ăn rẻ tiền nhất luôn có sẵn trên phố. Bạn chỉ cần chắc chắn mình chọn đồ ăn an toàn, hãy quan sát và đến quán nhiều người bản địa ăn nhất.
11. Tra cứu thông tin: “Tôi không bao giờ đi đâu mà không dành ít nhất 10 phút lướt web để tìm hiểu nơi đến một cách tiết kiệm. Thường thì tôi tham khảo các blog du lịch hay các nhóm Couchsurfing (ở nhờ). Đây là những chỗ rất tuyệt để hỏi các loại câu hỏi và có thông tin cập nhật nhất. Tôi còn thường xuyên xem diễn đàn du lịch Lonely Planet Thorntree nữa”, Hatton tiết lộ.
12. Phương tiện đi lại: Ở Đông Nam Á, các tài xế taxi và tuk-tuk thường tìm cách lừa khách du lịch. Bạn nên tìm hiểu kỹ giá cả từng chặng trước khi đi. Bằng cách này, sẽ không ai “chặt chém” được bạn. “Dù đi bất cứ đâu, tôi luôn tra giá taxi hiện tại trên trang Wiki Travel, họ thường có giá chính xác cho thời điểm hiện tại, hoặc bạn có thể tham khảo trên các diễn đàn du lịch”.
13. Dành thời gian ở các nước giá rẻ: Các nước ở Đông Nam Á chi phí thường khá rẻ, nhưng có một số nước rẻ hơn hẳn. Hatton gợi ý các nước như Campuchia, Myanmar và Indonesia.
Theo Zing News